Giới thiệu về Lớp học tại ATH

Từ năm 2013, Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH đã tạo cơ hội cho các cá nhân nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt từ 4 tuổi tới người lớn khám phá hoặc tìm về bản thể sáng tạo của mình, bằng cách thực hành thường xuyên các bộ môn nghệ thuật sân khấu: kịch ứng tác, kịch nói, âm nhạc và nhảy múa.  

Các khoá học nhóm hoặc cá nhân đều được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên quốc tế tại hai cơ sở Tây Hồ, Long Biên và trực tuyến. Xuyên suốt năm học, học viên, tuỳ theo khả năng của nhóm có thể biểu diễn trước công chúng trong chương trình lễ hội Winter Fest, P.A.S hoặc của nhà hát Theatre 21.  

Toàn bộ phương pháp giảng dạy của ATH dựa trên những giá trị nhân văn, từ cá nhân tới tập thể hướng tới việc sống hài hòa. Mỗi cá nhân là duy biệt với tất cả những phẩm chất và thiếu sót của mình. Mỗi người, chính bởi sự riêng biệt của mình, đều đóng góp một phần lợi ích vào công việc chung của tập thể. Mỗi học viên là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển của cả nhóm.  

Giáo viên luôn đặt mình ở vị thế ngang bằng với học viên, vì thế giáo viên được đòi hỏi phải có tinh thần kỉ luật và trách nhiệm đối với bản thân và với nhóm. Giáo viên luôn hiện diện, chú ý, lắng nghe và tập trung. Họ cũng mềm dẻo và linh hoạt trong cách giảng dạy để thích ứng với năng lượng và mang lại sự thoải mái cho những người tham gia. 

About ATH Classes
Dance
Music
Improv
Drama
    Improv
    Kịch ứng tác, sáng tạo và trình diễn ngay lập tức trên sân khấu 

    Kịch ứng tác, hay còn gọi là “Ứng tác” là kịch mà không có kịch bản, không có sự dàn dựng trước giữa các diễn viên. Trong Kịch ứng tác, diễn viên vừa là biên kịch, đạo diễn, dàn dựng sân khấu và vừa là diễn viên. Ứng tác là quy tụ sự sáng tạo và trình diễn trong cùng một thời điểm.  

    Trong các lớp Kịch ứng tác dành cho thiếu niên từ 12 tuổi tới người lớn, học viên sẽ khám phá các dạng thức ứng tác khác nhau: cabaret, đối đầu, catch impro, thể loại dài, micetro, trận đấu ứng tác. Trong suốt năm học, học viên sẽ trình diễn một hoặc nhiều vở ứng tác tùy theo khả năng và thời gian của nhóm.  
     

    Bạn sẽ học gì?  
    10 nguyên tắc nền tảng của Kịch ứng tác  

    Dù ở dạng thức nào, tất cả các loại hình ứng tác đều dựa trên hệ thống 10 nguyên tắc nền tảng: chấp nhận, lắng nghe, linh hoạt, hành động, xây dựng, diễn, chuẩn bị, đổi mới, vui đùa và táo bạo. Thực hành thường xuyên Kịch ứng tác sẽ phát triển óc sáng tạo, trực giác, các kĩ năng làm việc nhóm, điều chỉnh cảm xúc và làm cơ thể dẻo dai.  

    Cabaret  

    Là buổi trình diễn mà trong đó các ứng tác viên sẽ diễn nhiều màn ứng tác khác nhau theo những yêu cầu đa dạng từ phía người chủ trì (hay còn gọi là MC).  

    • Màn ứng tác ngắn: có độ dài từ vài giây tới vài phút với các yêu cầu của khán giả hoặc của MC 
    • Màn ứng tác dài: một vở kịch dài được ứng tác hoàn toàn 
    Trận đấu ứng tác 

    Được Robert Gravel và Yvon Leduc phát minh vào năm 1977 tại Quebec (Canada) nhằm dân chủ hóa kịch nói, trận đấu ứng tác là sự hòa trộn giữa thể thao (môn khúc côn cầu), trò chơi và trình diễn sân khấu.  

    Trong một trận đấu ứng tác, hai đội chơi gồm 6 người mỗi đội và 1 huấn luyện viên đối đầu nhau. Một trọng tài chính cùng với hai trợ lý bảo đảm luật chơi được tuân thủ. Trận đấu ứng tác thường có bình luận viên và một nhạc công để tạo không khí.  

    Sau mỗi trận đấu, khán giả bỏ phiếu bình chọn, nhưng không chỉ vậy, khán giả trở thành một phần của màn trình diễn thông qua những tiếng cười, vỗ tay, hú hét vào mọi thời điểm, tiếng phản đối hay công kích trọng tài v.v... 

    Ứng tác đối đầu  

    Ứng tác đối đầu diễn biến như một trận đấu ứng tác, ngoài việc không phải có hai đội chơi mà là hai người chơi. Hai ứng tác viên và một trọng tài trên sân khấu đối đầu nhau trong vòng một giờ. Thể loại ứng tác đối đầu dành cho những học viên nhiều kinh nghiệm ứng tác nhất và diễn ra hàng tháng trong suốt cả năm học. Vào cuối năm học, trận chung kết sẽ được tổ chức tại lễ hội sân khấu P.A.S giữa những người thắng cuộc trong suốt cả năm học.  

    Catch impro  

    Catch Impro là cuộc đối đầu giữa hai đội chơi gồm hai ứng tác viên mỗi đội. Ngược lại với trận đấu ứng tác, nơi trọng tài có thể thổi còi bắt lỗi và phạt người chơi, trong catch impro, mọi lỗi đều được cho phép. Catch impro dành riêng cho các học viên nhiều kinh nghiệm ứng tác nhất.  

    Long form (thể loại ứng tác dài) 

    Từ một chủ đề được khán giả đưa ra, ứng tác viên phải ngay lập tức sáng tạo và diễn cùng nhau trên sân khấu một câu chuyện kéo dài từ 20 phút tới 1 tiếng. Các vở “long form” tại ATH được lấy cảm hứng từ nhiều cấu trúc câu chuyện khác nhau trên thế giới. Thể loại này thường được gợi ý cho các lớp người lớn và lớp trực tuyến.  

    Micetro  

    Hình thức micetro được sử dụng trong trận chung kết ứng tác đối đầu. Màn trình diễn sẽ diễn ra với từ 8 tới 10 người chơi, họ sẽ cùng thực hiện các màn ứng tác ngắn. Không có trọng tài, khán giả là người trực tiếp chấm điểm lần lượt cho các màn ứng tác. Người chơi sẽ lần lượt bị loại cho tới người cuối cùng, cũng là người thắng cuộc.  
     

    Bạn sẽ phát triển những kỹ năng nào?  

    Kịch ứng tác trước tiên dựa vào khả năng diễn xuất và hợp tác của các diễn viên. Thông qua các bài tập khác nhau, Kịch ứng tác phát triển các khả năng này và tạo ra sự gắn kết tập thể.  

    Trên phương diện phát triển cá nhân:  
    • Trí nhớ ngắn hạn 
    • Luyện tập thể chất đều đặn 
    • Khả năng diễn đạt trước đám đông 
    • Biểu đạt cơ thể và cảm xúc  
    • Lắng nghe bản thân và những người khác 
    • Tính ngẫu hứng 
    • Ý thức về khoảnh khắc hiện tại 
    • Nhanh nhẹn và linh hoạt  
    • Khả năng bước ra khỏi vùng an toàn 
    • Sự tự tin và lòng tự trọng  
    Trên phương diện phát triển nhóm: 
    • Trao đổi và chia sẻ 
    • Lắng nghe và chấp nhận song phương  
    • Vui đùa tập thể  
    • Gắn kết nhóm 
    • Tinh thần tương trợ và thấu cảm  
    • Phối hợp nhóm 
    Vì sao bạn nên học Kịch ứng tác?  

    Chấp nhận, lắng nghe, xây dựng nhóm, diễn xuất, niềm vui và sự tích cực v.v..., những nguyên tắc ứng tác có thể được áp dụng trên sân khấu lẫn trong cuộc sống cá nhân và trong môi trường làm việc.  

    Ứng tác phát triển nhiều kĩ năng như óc sáng tạo, tính mạnh dạn trong các đề xuất, sự tự tin, giao tiếp và trí thông minh tập thể.  

    Làm việc với sự ngẫu hứng giúp phát triển khả năng thích nghi và sự linh hoạt trước các hoàn cảnh sống khác nhau. Thực hành Kịch ứng tác cũng là sống trong khoảnh khắc hiện tại - điều giúp chúng ta đạt được trạng thái thả lỏng.  

    Cũng bởi vậy mà rất nhiều các tổ chức, cơ sở giáo dục lựa chọn Kịch ứng tác như một bộ môn thực hành thường xuyên để mang lại những hiệu ứng tích cực trên tâm trí các thành viên của mình.  

    Kịch ứng tác cũng là nguồn học tập ngoại ngữ vô hạn. Bộ môn này đặc biệt có thể bổ sung trong chương trình học của các lớp song ngữ, tạo cơ hội cho những học sinh mong muốn có thể khám phá và thực hành kịch bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, mở ra nhận thức và tư duy mới về việc học ngoại ngữ một cách vui vẻ thông qua hành động và hình thể.  
     

    “Kịch ứng tác không phải là sự trao đổi thông tin giữa những người chơi, mà là một sự đồng thuận” - Viola Spolin

    Improv
    Improv
    Improv
    Improv
    Kịch nghệ, cuộc khám phá bản thân và thế giới  

    Là một chuyến phiêu du của cá nhân và tập thể, thực hành kịch đưa bạn tới vô số những điều bất ngờ. Học cách đứng trước khán giả, điều chỉnh căng thẳng, giảm tính tự phê phán, nghe theo trực giác và phát triển sự nhạy cảm là những thứ trải nghiệm mà kịch nghệ có thể mang lại cho bạn. Một cuộc phiêu du không hề đơn độc - một tác phẩm sân khấu không thể tồn tại thiếu năng lượng và sức mạnh tập thể - nó tạo ra những mối quan hệ giữa các cá thể. Trong suốt năm học, chúng ta khám phá, tìm hiểu về nhau và chấp nhận, lắng nghe, cùng hợp tác và rồi cùng tiến lên, cùng đứng dưới ánh đèn sân khấu, cùng trình diễn để chúc mừng quãng đường vừa trải qua.  

    Các lớp Kịch của ATH dành cho mọi lứa tuổi, từ 4 tuổi cho tới người lớn. Các lớp Kịch được giảng dạy bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp dấn thân trọn vẹn trong thực hành cá nhân, cùng đồng thuận về phương pháp và quan điểm giáo dục sân khấu. Sự chú tâm của giáo viên trước tiên là dành cho sự phát triển của mỗi học viên, mục tiêu là đồng hành cùng mỗi học viên trong quá trình khám phá và khẳng định cái tôi nghệ thuật mà vẫn luôn trân trọng cá tính riêng của mình.  
     

    Bạn sẽ học gì?  

    Một lớp học kịch tại ATH, là sự tổng hòa của thể thao, trí tưởng tượng, giao lưu và rất nhiều năng lượng tích cực.  

    Giống như mọi trường đào tạo chuyên nghiệp, các lớp Kịch của ATH mang tới cách tiếp cận từ lý thuyết và thực hành kịch chuyên sâu. Lấy nền tảng từ những trường phái thẩm mỹ và phương pháp của các bậc thầy về nghệ thuật sân khấu trên thế giới, phương pháp đào tạo tại ATH là sự liên kết giữa tính nghiêm túc và cẩn trọng cần thiết cho bất kì môn thực hành nghệ thuật nào, đồng thời đáp ứng với nhịp điệu và khả năng của từng học viên.  

    Phương pháp thực hành kịch lấy cơ thể làm trọng  

    ATH đưa ra cách tiếp cận thực hành chú trọng trên hết tới cơ thể, công cụ thiết yếu của người diễn viên. Trong các giờ học, một chuỗi các bài tập phát triển sự chú tâm, hiểu và điều khiển cơ thể, làm mềm cơ thể, tự do trong chuyển động, làm cơ thể trở nên phong phú hơn nhờ vào các chuyển động không định trước, giúp cơ thể trở nên sáng tạo, tóm lại, đưa cơ thể vào “trạng thái động” là cửa ngõ cần thiết để tiến sâu hơn trong nghệ thuật diễn xuất.  

    Những tiết học được thiết kế để nuôi dưỡng niềm vui diễn xuất 

    Các tiết học của ATH được thiết kế dưới dạng trò chơi: khám phá tập thể những phương diện khác nhau của nghệ thuật sân khấu theo một cách hài hước và vui vẻ. Học viên được nuôi dưỡng trước hết tính trực giác và niềm vui diễn xuất với các bạn diễn - đó cũng là nền tảng của sáng tạo.  

    Chương trình học đáp ứng với mọi lứa tuổi  

    Chương trình giảng dạy của ATH được thiết kế đáp ứng với khả năng thể chất và phát triển tâm lý của từng lứa tuổi. Chương trình bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn một tương ứng với thực hành kịch; giai đoạn hai dành cho việc sản xuất tác phẩm kịch. 

    • Học sinh từ 4 đến 5 tuổi được đưa vào một thế giới tưởng tượng khác nhau trong từng tiết học. Cuối năm học, các em sẽ cùng diễn trong một bộ phim sản xuất bởi ATH.  
    • Học sinh từ 6 tới 7 tuổi bắt đầu tiếp cận những khái niệm cơ bản của kịch như diễn xuất, không gian v.v... Cuối năm học, các em sẽ cùng diễn trên sân khấu với giáo viên của mình.  
    • Học sinh từ 8 tới 11 tuổi sẽ được tiếp cận các vở kịch phù hợp với lứa tuổi của các em, qua đó làm giàu ngôn ngữ kịch và khả năng diễn xuất trên sân khấu của mình. Cuối năm học, cả nhóm sẽ cùng diễn một vở kịch trên sân khấu mà không có giáo viên đồng hành.  
    • Học sinh từ 12 tới 18 tuổi thực hành Kịch nói và Kịch ứng tác - hai bộ môn bổ sung và hoàn thiện khả năng diễn xuất của các em. Trong suốt cả năm học, các em sẽ cùng diễn một hoặc nhiều vở ứng tác và cùng diễn một vở kịch.  
    • Các lớp người lớn khám phá mỗi năm một phương pháp kịch khác nhau. Học viên tiếp cận kịch nói hoặc đào sâu các thực hành cá nhân của họ thông qua các bài tập đa dạng. Vào cuối năm học, học viên sẽ cùng diễn một vở kịch dàn dựng bởi giáo viên của mình.  
       
    Bạn sẽ phát triển những kỹ năng gì?  
    Kỹ năng hình thể: tự do chuyển động  

    Thực hành kịch đồng nghĩa với luyện tập cơ thể, phát triển đồng thời trí thông minh không gian và nhịp điệu. Thực hành kịch giúp chuyển động cơ thể trở nên chính xác hơn, và các cử chỉ mang tính tự phát và ngẫu hứng hơn. Điều này giúp chúng ta khám phá tính sáng tạo của cơ thể và hiểu biết hơn về nó trong mối tương quan với người khác và môi trường xung quanh.  

    Kỹ năng sáng tạo: diễn xuất, phát minh 

    Trong kịch, bạn biến đổi và tưởng tượng, giống như trò chơi ngẫu hứng của những đứa trẻ, những chuyến phiêu lưu mà chúng tự kể và tự diễn. Sự tự do phát minh, tính sáng tạo mà mỗi người chúng ta mang trong mình được huy động và luyện tập giống như luyện cơ bắp.  

    Kỹ năng ngôn ngữ: chơi với câu chữ, lặn ngụp trong kịch bản 

    Những bài tập ghi nhớ, phát âm, đài từ, luyện giọng trong kịch giúp bạn phát triển khả năng ngôn ngữ. Trước một kịch bản, bạn sẽ sử dụng cả cơ thể của mình để học, điều này cho phép vốn liếng từ vựng và các cách diễn đạt của bạn trở nên dồi dào hơn. Từ đó, bạn cải thiện khả năng đặt câu hay diễn đạt, đây cũng là một trong những lợi ích lớn nhất mà kịch mang lại trong việc học ngoại ngữ. 

    Kỹ năng biểu đạt và phân tích: nói và nói để được nghe  

    Trong một tiết học Kịch, người tham gia sẽ luôn được khuyến khích đặt câu hỏi và suy nghĩ về những trò chơi, nhân vật hay tình huống kịch. Trên sân khấu, trong mỗi tình huống kịch, bạn sẽ trải nghiệm việc trở thành “nhân vật”. Điều này giúp bạn thoát khỏi những quy ước đạo đức, văn hoá và xã hội để từ đó bộc lộ nhiều khía cạnh khác của bản thân. Dưới vỏ bọc của nhân vật, bạn sẽ dễ dàng biểu đạt ý tưởng của mình, ngay cả những ý tưởng điên rồ nhất. 

    Kỹ năng xã hội: sáng tạo cùng nhau, vượt qua giới hạn 

    Mỗi một vở kịch, dù có hoặc không có kịch bản cũng đều được xây dựng bởi một nhóm. Bởi vậy, một trong những nguyên tắc rất quan trọng của nghệ thuật kịch là sự kết nối nhóm, đi từ sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Bất kể tính chất của tình huống kịch, mỗi cá nhân được bảo vệ về mặt thể chất cũng như tinh thần, vì vậy họ vượt ra khỏi rào cản của sự đánh giá, định kiến và mâu thuẫn cá nhân. 
     

    “Chúng ta đều muốn sống đời trong kịch, và kịch trong đời.” - Jules Renard
     

    Vì sao bạn nên học Kịch?  
    Tìm về chính mình  

    Làm việc với cơ thể, cảm xúc, cách bày tỏ, trực giác, tính ngẫu hứng và tưởng tượng trong kịch sẽ giúp bạn nhìn thấy những phần chưa từng biết về chính mình, từ đó tạo ra những trí tuệ cảm xúc, cơ thể, hành vi mới. Kịch giúp từng cá nhân trở nên tự tin hơn vào bản thân mình, giúp họ tự khẳng định và tự lựa chọn chỗ đứng của mình giữa những người khác.  

    Phản chiếu thế giới  

    Kịch nghệ tạo ra trên sân khấu và trong các lớp thực hành một không gian để ta nói về thế giới, nơi mà ta đại diện và chơi đùa. Bởi thế, kịch là công cụ tuyệt vời để khám phá những điều xung quanh ta: để chơi với những điều đại diện cho ta và cả những định kiến, để kể về những chuyến phiêu lưu mà trong đó ta sống với những tâm hồn và cơ thể khác, để cảm cuộc đời trong những chiều kích khác. Tất cả những điều này sẽ giúp cho mỗi chúng ta có thể phát triển tư duy phản biện, cải thiện khả năng phân tích môi trường xã hội và văn hóa xung quanh ta.  

    Kịch nghệ, bởi vậy, là một cuộc kiếm tìm đầy phiêu lưu về bản thân và thế giới, một thực hành mà qua đó ta thấy rất nhiều niềm vui, sự nhẹ nhõm và tự do. Nó mở ra cho ta một sân khấu mở, một sân khấu đầy thuận lợi cho việc nghiên cứu về bản chất mỗi người, về những sự đối lập và vẻ đẹp của cuộc sống chung của tất cả chúng ta. 
     

    “Kịch nghệ là một nhãn điểm. Tất cả những gì tồn tại trong thế giới, trong lịch sử, trong cuộc sống và trong nhân loại,
    tất cả đều cần và có thể được suy ngẫm ở đó, dưới cây đũa thần của nghệ thuật.”
    - Victor Hugo

    Drama
    Drama
    Drama
    Drama
    Drama
    Chơi nhạc? Còn hơn thế, chúng tôi biểu diễn âm nhạc  

    Được thiết kế dành cho các độ tuổi từ 4 tới người lớn, theo nhóm hoặc cá nhân, các lớp Âm nhạc của ATH đều được giảng dạy bởi các nhạc công chuyên nghiệp. Học viên được tiếp cận với phương pháp học nhạc toàn diện: phát triển khả năng lắng nghe nhịp điệu, tai nghe âm nhạc, chơi ngẫu hứng và phong cách biểu diễn theo cách đầy năng lượng, sáng tạo và tràn ngập tiếng cười.  

    Từ lớp học tới sân khấu, học viên sẽ được chủ động khám phá, thử nghiệm, thực hành,  sáng tạo với chúng tôi và làm phong phú thêm màu sắc âm nhạc của bản thân khi chơi nhạc trong một cộng đồng. Tất cả những điều này không chỉ sẽ giúp học viên trở thành một người chơi đàn guitar, piano hay một ca sĩ, mà còn giúp họ trở thành những nhạc công và những người biểu diễn đầy tự tin.  
     

    Bạn sẽ học gì?  
    Tiếp cận với thực hành và lý thuyết một cách chủ động, vui vẻ.  

    Các lớp Âm nhạc của ATH mong muốn truyền cảm hứng, phát triển niềm vui và đam mê âm nhạc trong mỗi học viên thông qua việc thực hành chơi nhạc cụ, và khám phá nhạc lý theo cách tràn đầy năng lượng, sáng tạo và niềm vui.  

    Thực hành nhạc cụ và thanh nhạc:  

    Khi khám phá thế giới âm nhạc, không gì phấn khởi và hứng thú hơn là thật sự chơi nhạc cụ và hát. Đồng hành cùng những nhạc công chuyên nghiệp, những người đã và đang học, sáng tạo và biểu diễn trong nhiều năm hoặc với những người chơi nhạc khác trên hành trình khám phá ấy là một trải nghiệm tuyệt vời! Ý thức được điều này, ATH tổ chức các lớp nhạc cụ và thanh nhạc dành cho người mới bắt đầu và những người đã từng thực hành, theo hình thức nhóm hoặc cá nhân. Học viên sẽ có thể luyện kỹ thuật và khám phá màu sắc âm nhạc của chính mình khi chơi cùng những người khác.  

    Các lớp Âm nhạc này được thiết kế cho:  
    • Học sinh từ 4 tới 5 tuổi: lớp Cảm thụ piano thông qua các hoạt động và trò chơi 
    • Học viên từ 6 tuổi cho tới người lớn:  
    • Lớp cá nhân các nhạc cụ piano, violin, ukulele, accordion, guitar và thanh nhạc
    • Lớp nhóm: Band, Vocal ensemble, Batucada
       

    “Âm nhạc là trải nghiệm riêng, là suy tư và chân lý của riêng bạn.
    Nếu bạn không sống với nó, âm nhạc sẽ không bao giờ nảy nở trong bạn.”
    - Charlie Parker
     

    Music Lab:  

    Âm nhạc được sử dụng trong rất nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống con người. Chúng ta nghe thấy âm nhạc trên đường phố, trong phim ảnh, tại các lễ nghi, chúng ta nghe âm nhạc môt cách bị động và chịu ảnh hưởng bởi nó mà không biết tại sao. Music Lab là nơi trả lời cho câu hỏi đó thông qua việc tập hợp các kiến thức âm nhạc theo một cách chủ động và vui vẻ.  

    Tại Music Lab, mỗi tiết học là một chuyến phiêu lưu. Giáo viên và học viên sẽ cùng nhau nghe, phân tích một bản nhạc (đương đại hay cổ điển) để hiểu “công thức” bí mật đằng sau nó (nhịp điệu, giai điệu, sự hài hoà, kết cấu v.v...), rồi sau đó sáng tạo lại và đưa nó vào một cuộc ngẫu hứng tập thể.  

    Music Lab được thiết kế cho:  
    • Học sinh từ 4-5 tuổi
    • Học sinh từ 6-11 tuổi 
    • Học sinh từ 12 – 18 tuổi 
    • Người lớn
       
    Bạn sẽ phát triển những kỹ năng nào?  

    Phát triển khả năng âm nhạc toàn diện cho mỗi học viên 

    ATH hướng tới phát triển tính nhạc cho học viên thay vì chỉ đơn giản dạy bạn chơi một loại nhạc bất kì, bằng cách: 

    Khơi dậy và phát triển cơ thể và tính nhịp điệu trong bạn 

    Học viên sẽ cần sử dụng toàn bộ cơ thể của mình trong khi chơi/nghe nhạc thay vì chỉ sử dụng giọng hay ngón tai/tai. Bạn sẽ được trải nghiệm các khái niệm nhạc lý một cách chủ động bằng cơ thể và ghi nhớ những khái niệm đó thông qua cảm giác trên cơ thể. ATH thường khuyến khích học viên chú ý tới cơ thể của mình và hiểu những gì cơ thể muốn biểu đạt (cảm xúc, mức độ, động thái, v.v...) 

    Tăng khả năng nghe 

    Học viên sẽ hiểu những gì mà họ nghe thấy và nghe thấy những gì họ hiểu bằng cách lắng nghe, phản ứng lại, hát hoặc chơi nhạc, ghi nhớ và phát hiện bất cứ một tổ hợp âm thanh nào. Như vậy bạn sẽ có thể nhận ra âm thanh và mối tương quan của chúng, động thái và sắc thái của âm nhạc. 

    Khuyến khích biểu đạt và sáng tạo thông qua chơi ngẫu hứng  

    Học viên được khuyến khích tìm danh tính âm nhạc riêng của mình, tin vào trí tưởng tượng, óc sáng tạo và biểu đạt ý tưởng, cảm nhận và suy nghĩ một cách ngẫu hứng ngay lập tức thông qua các nhạc cụ họ học và cả giọng ca của chính mình. Học viên được giáo viên đồng hành trong các sáng tạo của mình, xây dựng niềm tin, tăng sự tự tin và kích thích khả năng giao tiếp.  

    Khuyến khích học viên chơi nhạc cùng nhau  

    Biết rằng chơi nhạc cùng những người khác sẽ làm niềm vui nhân lên gấp bội, ATH luôn khuyến khích học viên của mình sáng tác âm nhạc cùng nhau. Điều này làm giảm bớt căng thẳng, giúp học viên hiểu về trách nhiệm của từng người trong tập thể thông qua việc chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.  

    Chuẩn bị cho học viên các kỹ năng biểu diễn trước công chúng 

    Học viên liên tục được chia sẻ kinh nghiệm và các mẹo biểu diễn của những nhạc công chuyên nghiệp khi đứng trên sân khấu hoặc khi sản xuất một tác phẩm âm nhạc cùng với giáo viên của mình. Bên cạnh đó, thông qua các trò chơi và bài tập kịch nói, kịch ứng tác và nhảy múa, học viên sẽ được học cách chuẩn bị sẵn sàng trước và trong khi biểu diễn trên sân khấu.  

     

    Vì sao bạn nên học Âm nhạc?  

    Nghiên cứu đã khẳng định rằng trên cả việc tạo tâm trạng tốt, nghe nhạc, dù là nghe một cách bị động cũng đều kích thích trí óc, sạc năng lượng cho cơ thể và thư giãn tâm trí. Bởi vậy, như một lẽ tất yếu, lắng nghe âm nhạc chủ động, chơi và phát triển khả năng chơi một loại nhạc cụ sẽ có những hiệu ứng đáng ngạc nhiên với mỗi người.  

    Học nhạc làm tăng khả năng ghi nhớ, làm mạnh trí thông minh không gian và ngôn ngữ, giúp bạn tập trung và giữ cho não bộ minh mẫn khi về già.  

    Chơi một loại nhạc cụ kích thích các phản xạ thô và tinh, hát giúp cơ thể có tư thế và kỹ thuật thở đúng.  

    Khi dành thời gian tập luyện nhạc cụ, bạn sẽ phát triển tính tự kỷ luật và kiên nhẫn. Sáng tạo âm nhạc là một trong những cách tuyệt vời nhất để biểu đạt bản thân.  

    Ở bất kỳ lứa tuổi nào, gia nhập một ban nhạc hoặc một dàn hợp xướng cũng giúp xây đắp khả năng làm việc nhóm, lắng nghe thông điệp không lời, tăng thêm tự tin và phát triển tinh thần thấu cảm với những người khác. Cùng lúc, âm nhạc cũng mở ra cánh cửa tới các nền văn hóa khác và tạo ra niềm vui cho mỗi chúng ta. 
     

    “Âm nhạc trao linh hồn cho vũ trụ, đôi cánh cho tâm trí,
    nâng trí tưởng tượng bay cao và mang lại sự sống cho mọi điều.”
      - Plato

    Music
    Music
    Music
    Music
    Diễn đạt trên sân khấu bằng cơ thể  

    Đối với cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, các lớp học nhảy là một hình thức hoạt động thể chất đầy năng lượng và là một phương thức năng động để biểu đạt bằng cơ thể. Học và làm chủ kỹ thuật, phát triển các khả năng trình diễn là những yếu tố chính sẽ giúp học viên trở thành những vũ công tự tin, hăng hái và dấn thân trong việc thực hành của họ trên sân khấu.  

    ATH tổ chức các lớp học nhảy Hip hop, Ballet, Jazz và Tango dành cho các độ tuổi từ 4 tới người lớn, học theo nhóm hoặc cá nhân. Dù là loại hình nào thì đó cũng đều là cách để khám phá cơ thể, chia sẻ năng lượng của bản thân trong một tập thể.  
     

    Bạn sẽ học gì?  
    • Khám phá và hiểu các từ vựng chuyên môn  
    • Xây dựng nền tảng kỹ thuật hướng về sự kiểm soát và chính xác  
    • Ý thức về các khái niệm đếm nhịp  
    • Học tư thế chuẩn và tiếp cận nhảy múa như một dạng luyện tập thể chất 
    • Phát triển trí thông minh không gian/ biết cách đứng trong không gian sân khấu 
    • Ý thức về khán giả và phát triển khả năng trình diễn 
       
    Vì sao bạn nên học Nhảy múa?  

    Ở bất cứ độ tuổi nào, thực hành nhảy múa đều giúp kích thích cơ thể, cảm xúc và tinh thần.  

    Dù là phong cách nào, nhảy múa là cách luyện tập tim mạch tuyệt vời, bởi việc thực hiện các bước chuyển động khác nhau giúp làm tăng nhịp tim. Khi nhảy, bạn buộc phải chuyển động cả cơ thể theo các chiều hướng khác nhau và các tầng không gian đứng và ngang, bạn sẽ kích hoạt và điều hòa các cơ. Nhảy múa được coi là một trong những hoạt động thể dục tuyệt vời nhất.  

    Khi nhảy, não của bạn được kích thích bởi nhịp điệu, các bước, sự tiếp nối và lặp lại của các chuyển động. Những vùng não bộ chịu trách nhiệm trí nhớ và hoạch định sẽ được kích hoạt và phát triển.  

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhảy múa giúp cơ thể của bạn sản sinh ra một lượng endorphin (nhiều hơn các hình thức hoạt động thể chất khác) và giảm lượng cortisol – hoóc môn căng thẳng  
     

    “Tôi không quan tâm tới cách mà mọi người chuyển động, tôi chỉ quan tâm tới thứ làm cho họ chuyển động” - Pina Bausch